Sếp khó tính hay nhân viên dở – Kỹ năng làm việc với sếp khó tính

Sếp khó tính hay nhân viên dở - Kỹ năng làm việc với sếp khó tính

Ông bà ta có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đừng bao giờ chỉ nhìn thấy cái sai của người khác mà quên xem xét lại bản thân. Đặc biệt là trong công việc, những lúc gặp phải sếp khó tính, khoan hãy trách móc họ và nghĩ họ chèn ép bạn. Thay vào đó, hãy thử tìm ra nguyên do và khắc phục nó bằng cách cải thiện những điểm yếu khiến sếp không hài lòng.

 

1/ Không để sếp khó tính bắt được điểm yếu

Nếu không muốn bị bắt lỗi, vậy đừng để bản thân phạm lỗi. Bạn nên nắm bắt toàn bộ những quy định, quy chế của công ty và thực hiện cho đúng, không để sai phạm nào được xảy ra dù chỉ 1 ly. Chẳng hạn như, tranh thủ đi làm đúng giờ (sớm hơn thì càng tốt), không tan ca sớm, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, không trễ deadline (thời hạn) quy định,…

Hãy làm tốt những điều căn bản mà bạn phải làm, đừng để ai đó có cơ hội bắt bẻ việc bạn đi làm trễ nhưng tan ca sớm hoặc lơ đễnh với công việc được giao. Đây là yếu tố đầu tiên nên chú ý nếu không muốn sếp khó tính với bạn.

 

2/ Không đầu hàng trước sếp khó tính

Đừng hạ thấp giá trị của bản thân để xuôi theo những lời nói của sếp khó tính. Bạn nên chủ động tìm cho mình những đối sách mềm mỏng để giải quyết những vấn đề giữa bạn và sếp.

Thay vì sếp nói gì bạn cũng gật gù mặc đúng hay sai. Hãy dùng sự tự tin của bản thân mà đáp trả lại một cách khéo léo. Đừng để sếp “Được nước lấn tới” vì bạn quá hiền lành. Tôn trọng sếp không có nghĩa là để họ có quyền nói những điều không đúng về bạn.

 

3/ Học cách biện hộ cho bản thân

Nếu không may bạn xảy ra một cuộc tranh luận với sếp, bạn đừng cố cãi ngang với sếp hay không kiềm chế được cảm xúc mà lớn tiếng. Đặc biệt là khi chỉ có hai người nói chuyện với nhau. Bởi rất có thể người sếp khó tính đó sẽ mang câu chuyện bạn lớn tiếng với cấp trên đồn ra bên ngoài, và bạn sẽ là người thiệt thòi.

Hãy học cách biện hộ cho bản thân bằng những lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục.

Khi bạn chắc chắn rằng mình đúng và lỗi đó là của sếp thì hãy đề nghị mở một cuộc họp và xin sự công bằng từ một sếp lớn hơn hoặc sự đồng thuận từ đồng nghiệp. Tìm kiếm đồng minh giúp mình củng cố sức mạnh cũng là một phương án khả thi khi xảy ra những vấn đề nan giải với cấp trên.

 

4/ Hãy tỉ mỉ trên từng milimet

Đặc điểm chung của những người sếp khó tính thường là những người rất chi li, xét nét. Họ luôn cảm thấy không hài lòng kể cả bạn có phạm phải những sai phạm nhỏ như hạt cát.

Thế nên, hãy thận trọng và tỉ mỉ trên từng milimet khi xử lý bất cứ vấn đề nào trong công việc. Hồ sơ công việc của bạn nên được bảo quản kỹ lưỡng, các giấy tờ nên được sắp xếp ngăn nắp và chỉnh chu,…

 

5/ Cẩn trọng với đồng nghiệp

Bất cứ môi trường nào cũng tồn tại những người tốt và người xấu. Và môi trường công sở cũng không ngoại lệ. Đối tốt với tất cả đồng nghiệp là một điều bạn nên làm, thế nhưng đừng quá tin tưởng họ. Hãy giữ lại những bí mật công việc cho riêng bạn hoặc đừng bao giờ nói xấu sếp với đồng nghiệp mà bạn không tin tưởng.

Đồng nghiệp sẽ rất có thể là người “nghiệp” về bạn cho sếp nghe. Do vậy, phòng ngừa hơn chữa bệnh. Hãy cẩn trọng với những đồng nghiệp ở quanh bạn.

 

6/ Tận dụng khả năng của bản thân để sếp giải quyết những rắc rối 

Bạn có thể nào gây khó dễ cho một người đã giúp bạn vượt qua khó khăn không? Tất nhiên là sếp cũng sẽ như thế, sếp sẽ cho bạn thêm điểm cộng khi bạn biết cách giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn.

Và để tìm kiếm được cơ hội giúp đỡ sếp, hãy tập quan sát và nắm bắt thời cơ đúng lúc. Chẳng hạn như, công việc đó không nằm trong phạm vi quản lý của bạn, thế nhưng nó lại xảy ra trục trặc và sếp cần người giải quyết. Đây là thời cơ thích hợp để bạn ghi điểm và chiếm lấy thiện cảm của sếp.

Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc việc nào bạn có khả năng và không có khả năng. Hãy chắc chắn rằng mình sẽ làm tốt rồi hãy đưa ra đề nghị giúp đỡ. Chớ để “rước họa vào thân”.

Với 6 kỹ năng làm việc với sếp khó tính mà chúng tôi chia sẻ. Mong rằng bạn đã tự tin hơn khi làm việc với một ông sếp khó chịu. Mọi vấn đề đều có cách giải quyết, thế nên đừng vội chán nản khi gặp phải sếp khó chịu, hãy cứ tự tin và mạnh dạn đương đầu trước thử thách. Bởi, những người làm được việc lớn thường không để bạn thân vướng phải những vấn đề nhỏ.