Hơn 200 “chiến sĩ” Tổ Truy vết Covid-19 nỗ lực chống dịch bệnh lây lan

Công cuộc truy vết và tìm kiếm “các F” được Tổ Truy vết COVID-19 tiến hành khẩn trương, nhanh chóng nhằm hạn chế tốc độ lây lan của dịch.

Hơn 200 người thuộc Tổ Truy vết COVID-19 đang không ngừng nghỉ truy vết “các F” với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Đối với nhiều người, các thành viên thuộc Tổ Truy vết còn được gọi là “chiến sĩ” chống dịch trên mọi “mặt trận”.

Nỗ lực nhiều ngày nhằm tìm kiếm các F

Những ngày qua, Việt Nam liên tiếp công bố các ca nhiễm COVID-19 mới sau thời gian dài không có ai mắc bệnh trong cộng đồng. Ngay lập tức, một loạt động thái tìm kiếm các F trong cộng đồng được diễn ra khẩn trương.

Tuy nhiên, để tìm được manh mối những người tiếp xúc với các các F0, F1… là việc không hề dễ. “Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19” (Tổ Truy vết COVID-19) gồm hơn 200 người thuộc Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia là đơn vị trực tiếp thực hiện điều này. Sau hai đợt lây lan mạnh nhất vào tháng 3 và tháng 7 năm 2020, đây là đợt thứ 3 Tổ Truy vết phải làm việc khẩn trương với số lượng nhân lực lớn, không ngừng tìm kiếm các nhánh nhỏ mà dịch có thể lây lan.
Theo Tuổi trẻ, ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ kiêm tổ trưởng Tổ Truy vết COVID-19 cho biết, từ ngày 27/1 khi thông tin về ca nhiễm đầu tiên 1552 với yếu tố dịch tễ là tiếp xúc với nữ công nhân đi Nhật, tiếp xúc với nhiều người, làm việc tại nhà máy, chủng virus biến thể… tổ đã tính toán trước đợt tìm kiếm “các F” này sẽ rất khó khăn.
Trong quá trình phỏng vấn các F0, có khoảng 70 – 80% bệnh nhân cung cấp đủ thông tin, tuy nhiên cũng có người không nhớ hết lịch trình, số khác e ngại trong việc khai báo khiến công cuộc tìm kiếm các F1 gặp nhiều khó khăn – Một tình nguyện viên của Tổ Truy vết chia sẻ trên Tuổi trẻ.

Rất ít người tự giác khai báo

Được biết, trong số các ca F1, chỉ có 1% tự thông báo tới các cơ quan chức năng, 99% còn lại là lực lượng chức năng tự tìm kiếm và tìm tới. Trong trường hợp xấu nhất là bỏ lỡ “giờ vàng”, các F khác sẽ tăng với tốc độ chóng mặt. Nếu không nhanh chóng chặn được các nhánh nhỏ thì dịch sẽ lại bùng lên, rất khó kiểm soát.

“Có nhiều bệnh nhân sẵn sàng cung cấp thông tin, nhưng cũng có người không nhớ đầy đủ lịch trình hoặc chỉ nhớ mang máng, có người vì lý do cá nhân họ e ngại thông báo những người từng gặp, các trường hợp như vậy tìm F1 sẽ khó hơn” – Diễm My (thành viên của Tổ Truy vết) tiết lộ với Sức khoẻ & đời sống.

Các số liệu tìm kiếm trong những ngày vừa qua cho thấy lượng thông tin Tổ Truy vết phải tìm kiếm là rất lớn khi có đến nhiều triệu tờ khai báo y tế trong dân cư, cũng như vô số tờ khai nhập cảnh. Bên cạnh việc kết nối trực tiếp với các F, Robot cũng sẽ tiến hành “quét” để lấy dữ liệu và từ đó đưa ra các manh mối, phục vụ công cuộc tìm kiếm.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lại đang trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, các thành viên thuộc Tổ Truy vết luôn không ngừng tìm kiếm với mong muốn đẩy lùi dịch bệnh, đem cuộc sống bình yên đến mọi nhà.