ĐỐI THOẠI VỀ BHXH, BHYT, BHTN – HRS 0888006784 – 0912600784
Câu hỏi 1: Người nước ngoài tham gia BHXH từ tháng 12/2018 đến nay thì có được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản hay không? Nếu có thì thủ tục giải quyết chế độ cần những giấy tờ gì?
Ví dụ: công ty em có TH người Hàn tham gia BHXH từ tháng 12/2018 và có vợ sinh con vào tháng 10/2019 (vợ không tham gia BHXH), vậy TH này thì người Hàn có được hưởng chế độ vợ sinh và chế độ nam hưởng trợ cấp 1 lần khi vợ sinh hay không?
TRẢ LỜI: Có được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản nếu ốm đau, thai sản phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở KCB có thẩm quyền theo quy định.
Về thủ tục hồ sơ:
- Đối với chế độ ốm đau gồm: Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập và hồ sơ nêu dưới đây:
1.1. Trường hợp điều trị nội trú
– Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.
– Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.
1.2. Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính). Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
1.3. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ nêu tại tiết 2.1.1 và 2.1.2 điểm này được thay bằng bản sao của bản dịch tiếng Việt giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
- Đối với chế độ thai sản của người đang đóng BHXH gồm: Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập và hồ sơ nêu dưới đây:
2.1. Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai:
– Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.
– Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
2.2. Lao động nữ sinh con:
– Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
– Trường hợp con chết sau khi sinh: Ngoài hồ sơ nêu tại nội dung a tiết này có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con; trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
– Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.
– Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm biên bản GĐYK của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.
– Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
+ Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
+ Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
+ Trường hợp phải GĐYK: Biên bản GĐYK.
– Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao của bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
2.3. Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
2.4. Lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con: Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con; trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
2.5. Lao động nam hoặc người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con: Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
Về ví dụ cụ thể: Trường hợp bạn nêu trong ví dụ, nếu lao động nam người nước ngoài đó đóng BHXH bắt buộc đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi vợ sinh con mà vợ không tham gia BHXH thì khi vợ sinh lao động nam đó được hưởng trợ cấp BHXH một lần khi vợ sinh con (bằng 02 tháng lương cơ sở chung tại thời điểm vợ sinh) và được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc nếu vợ sinh thường hoặc 7 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc hoặc 14 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Câu hỏi 2: Người lao động nước ngoài tham gia BHXH khi nghỉ việc có được hưởng BHXH 1 lần hay không? Và thủ tục hưởng cần những giấy tờ gì?
Trả lời:
- Người lao động nước ngoài tham gia BHXH tại Việt Nam mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đủ tuổi hưởng lương hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;
– Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
– Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam;
– Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.
- Về thủ tục hồ sơ
– Đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB.
– Trường hợp bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì có thêm trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện tình trạng không tự phục vụ được; nếu bị mắc các bệnh khác thì thay bằng Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng GĐYK thể hiện tình trạng suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên và không tự phục vụ được.
– Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK.
Câu hỏi 3: Bên em có 1 trường hợp làm bảo hiểm thất nghiệp nhưng phải gộp cả thời gian đóng tại đơn vị trước mới đủ điều kiện hưởng BHTN. Nhưng do đơn vị trước đóng khá lâu rồi nên bảo hiểm trả lời là không đue điều kiện hưởng do đã quá 36 tháng nên không gộp được. anh(chị) có thể giải thích thêm trường hợp này giúp e được không ạ ?
TRẢ LỜI: Điều kiện để hưởng BHTN:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
– Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làmviệc đối với trường hợp Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Do vậy, trường hợp trên chưa rõ trong thời gian 24 tháng hoặc 36 tháng (tùy theo loại hợp đồng lao động) bạn đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên hay chưa để xem xét có đủ điều kiện hưởng BHTN hay không? Nếu trong vòng 24 tháng hoặc 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động mà thời gian đóng BHTN của bạn chưa đủ 12 tháng thì không đủ điều kiện để hưởng BHTN theo quy định. Tuy nhiên, khi không đủ điều kiện hưởng BHTN thì tổng thời gian đóng BHTN của bạn vẫn được cộng gộp và bảo lưu trên sổ BHXH.
Câu hỏi 4: Mong muốn có 1 trang web cho người phụ trách bảo hiểm cơ sở có thể tra được sổ BHXH cho người lao động ( thông tin người lao động, thông tin về sổ, thông tin về quá trình….)
TRẢ LỜI: Từ ngày 08/11/2019, người lao động co thể vào Trang Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội tỉnh với tên miền là:
https:// binhduong.baohiemxahoi.gov.vn vào TRA CỨU TRỰC TUYẾN
để tra cứu các thông tin như:
- Tra cứu mã số BHXH
- Tra cứu cơ quan bảo hiểm
- Tra cứu quá trình tham gia BHXH
- Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT
- Tra cứu đơn vị tham gia BHXH
- Tra cứu điểm thu, đại lý thu
- Tra cứu CSKCB cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH
- Tra cứu CSKCB Ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT
- Tra cứu bảo hiểm thất nghiệp
Câu hỏi 5: Hiện tại có 5 người nước ngoài đang làm việc tại Công ty chúng tôi, họ đều có lệnh điều chuyển từ Công ty mẹ bên Hàn Quốc cử sang Việt Nam làm việc. Trên Giấy phép Lao động được cấp cũng ghi Hình thức làm việc là: Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp. Vậy xin hỏi:
– Công ty chúng tôi có phải trích nộp tiền BHXH (3,5%) theo quy định mới từ Tháng 12/2018 cho 5 lao động NNN này không?
Trả lời: Căn cứ vào Điểm a, Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018; Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính Phủ quy định lao động là người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp không phải đóng BHXH, cụ thể như sau:
Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.
Đối chiếu với quy định trên nếu 5 người nước ngoài trên là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng thì không phải đóng BHXH.
– Trường hợp, khi NNN nghỉ việc bên Việt Nam để về nước họ làm việc, thì số tiền BHXH đã nộp tại Việt Nam có được hưởng không? Hưởng theo hình thức nào?
Trả lời: Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn mà họ về nước, nếu có yêu cầu họ được giải quyết hưởng BHXH một lần đối với thời gian họ làm việc và đóng BHXH tại Việt Nam.
Về thủ tục hồ sơ: như trả lời tại Câu 2
Câu hỏi 6: Quý cơ quan giải thích cách tính lãi bảo hiểm xã hội ntn và quy định tính lãi ntn đối với đơn vị nợ BHXH, cho ví dụ minh họa cách tính?
Trả lời: Cách tính lãi BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN quy định tại Điều 37 và Điều 38 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Cụ thể như sau:
Theo Điều 37. Tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN
- Đơn vị chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chưa đóng.
- Phương thức tính lãi: ngày đầu hằng tháng.
- Công thức tính lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN:
Lcđi = Pcđi x k (đồng) (1)
Trong đó:
* Lcđi: tiền lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN tính tại tháng i (đồng).
* Pcđi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng i (đồng), được xác định như sau:
Pcđi = Plki – Spsi (đồng) (2)
Trong đó:
Plki: tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i (không bao gồm số tiền lãi chậm đóng, lãi truy thu các kỳ trước còn nợ nếu có).
Spsi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh chưa quá hạn phải nộp, xác định như sau:
+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức hằng tháng: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng số tiền phát sinh của tháng trước liền kề tháng tính lãi;
+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức 03 tháng, 06 tháng một lần: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng tổng số tiền phải đóng phát sinh của các tháng trước liền kề tháng tính lãi chưa đến hạn phải đóng.
* k: lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (%), xác định như sau:
– Đối với BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ, BNN, k tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân năm trước liền kề theo tháng do BHXH Việt Nam công bố.
– Đối với BHYT, k tính bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tính theo tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam của năm trước liền kề. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.
- Hằng năm, trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 01, BHXH Việt Nam thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân quy định tại Điểm a và b Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN cho BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an để thống nhất thực hiện.
Theo Điều 38. Truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN
- Các trường hợp truy thu
1.1. Truy thu do trốn đóng: Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:
- a) Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;
- b) Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.
1.2. Truy thu đối với người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ về nước truy đóng BHXH cho thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ chưa đóng: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
1.3. Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm ký quyết định hoặc HĐLĐ (phụ lục HĐLĐ) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
1.4. Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- Điều kiện truy thu
2.1. Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan BHXH thanh tra buộc truy thu.
2.2. Đơn vị đề nghị truy thu đối với người lao động.
2.3. Hồ sơ đúng đủ theo quy định tại Phụ lục 02.
Trường hợp đơn vị đề nghị truy thu cộng nối thời gian dưới 6 tháng kèm theo Mẫu D04h-TS hoặc kết luận kiểm tra, từ 06 tháng trở lên kèm kết luận thanh tra của cơ quan BHXH hoặc cơ quan thanh tra hoặc Quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.
- Tiền lương làm căn cứ truy thu, tỷ lệ truy thu
3.1. Tiền lương làm căn cứ truy thu là tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đối với người lao động theo quy định của pháp luật tương ứng thời gian truy thu, tiền lương này được ghi trong sổ BHXH của người lao động.
3.2. Tỷ lệ truy thu: tính bằng tỷ lệ (%) tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từng thời kỳ do Nhà nước quy định.
- Số tiền truy thu
4.1. Tổng số tiền truy thu bằng tổng số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN và tiền lãi.
4.2. Số tiền lãi truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính như sau:
(3)
Trong đó:
Ltt: tiền lãi truy thu;
v: số tháng trốn đóng trong năm j phải truy thu;
y: số năm phải truy thu;
Pttij: Số tiền phải truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN của tháng i trong năm j;
Nij: thời gian trốn đóng tính bằng số tháng kể từ tháng trốn đóng i của năm j đến tháng trước liền kề tháng thực hiện truy thu, theo công thức sau:
Nij = (T0 – Tij) – 1 (4)
Trong đó:
T0: tháng tính tiền truy thu (theo dương lịch);
Tij: tháng phát sinh số tiền phải đóng Pttij (tính theo dương lịch);
kj: lãi suất tính lãi chậm đóng (%).
Trường hợp truy thu thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, k tính bằng mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với các tháng của năm 2016 theo quy định tại Khoản 3 Điều 37;
Ví dụ 15: Doanh nghiệp M trốn đóng BHXH đối với người lao động; tháng 5/2016 cơ quan BHXH phát hiện và truy thu BHXH đối với Doanh nghiệp M. Diễn biến số tiền trốn đóng BHXH phải truy thu và số tiền lãi truy thu theo bảng sau:
(Đơn vị tính: đồng)
Số TT | Tháng trốn đóng | Số tiền trốn đóng/tháng | Thời gian trốn đóng phải tính lãi (tháng) | Lãi suất tính lãi (%/tháng) | Số tiền lãi |
1 | 1/2015 | 50.000.000 | 15 | 1,065% | 7.987.500 |
2 | 2/2015 | 60.000.000 | 14 | 1,065% | 8.946.000 |
3 | 5/2015 | 65.000.000 | 11 | 1,065% | 7.614.750 |
4 | 6/2015 | 70.000.000 | 10 | 1,065% | 7.455.000 |
Cộng | 245.000.000 | 32.003.250 |
Trường hợp trong tháng 5/2016 Doanh nghiệp M không nộp số tiền truy thu BHXH 245.000.000 đồng và tiền lãi truy thu 32.003.250 đồng thì sang tháng 6/2016, ngoài việc vẫn phải nộp đủ số tiền truy thu BHXH (245.000.000 đồng) và tiền lãi (32.003.250 đồng), tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phát sinh của tháng 6/2016 và tiền nợ và tiền lãi chậm đóng (nếu có) theo quy định tại Điểm 4.1 Khoản 4, Doanh nghiệp M còn phải nộp thêm tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền BHXH truy đóng còn nợ là 2.609.250 đồng (245.000.000 đồng x 1,065%).
Câu hỏi 7: Trường hợp nào lao động nghỉ con ốm Trên giấy ra viện yêu cầu bắt buộc ghi tên Bố/Mẹ do bệnh viện phát hành không có tên bố mẹ. Khi làm thủ tục hưởng chế độ con ốm nộp kèm theo thẻ BHYT/Giấy khai sinh/sổ hộ khẩu có được không Công ty có rất nhiều trường hợp như trên, khi nộp hồ sơ bị trả về do lỗi không có tên Bố/Mẹ. Yêu cầu nhân viên bổ sung tên Bố mẹ rất mất thời gian và khó khăn.
TRẢ LỜI: Trường hợp cha (mẹ) phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau được giải quyết chế độ ốm đau.
Về thủ tục hồ sơ theo quy định tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam gồm: Trường hợp điều trị nội trú là Bản sao giấy ra viện của con của người lao động dưới 7 tuổi; Trường hợp điều trị ngoại trú là Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính). Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Việc yêu cầu ghi tên bố, mẹ tại phần ghi chú trong Giấy ra viện là cơ quan BHXH thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Đơn vị đề nghị trường hợp Giấy ra viện không ghi tên bố, mẹ thì nộp kèm theo thẻ BHYT/Giấy khai sinh/sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam không quy định nộp kèm theo giấy tờ trên đồng thời yêu cầu cơ quan BHXH các cấp không được quy định thêm thủ tục hành chính. Do đó, cơ quan BHXH không có căn cứ thực hiện theo đề nghị của đơn vị.
Việc phải trả lại hồ sơ và yêu cầu bổ sung theo quy định gây mất thời gian và khó khăn cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động là do các cơ sở KCB không thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Nội dung trên ngành BHXH đã có văn bản phản ánh lên Bộ Y tế, ngày 11/04/2019 Bộ Y tế đã có công văn số 1950/BYT-PC về việc đôn đốc thực thiện Thông tư số 56/2017/BYT-PC gửi các Sở Y tế và các bệnh viện yêu cầu các cơ sở KCB thực hiện đúng quy định của Thông tư số 56.
Để tránh phải đi lại, gây mất thời gian, đề nghị đơn vị sử dụng lao động tuyên truyền để người lao động nắm được những quy định liên quan đến việc cấp các giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH. Trường hợp ngay khi nhận được giấy tờ cần kiểm tra về các thông tin, nếu thiếu thông tin hoặc thông tin không đúng theo quy định thì yêu cầu các cơ sở KCB bổ sung hoặc cấp lại.
Câu hỏi 8: Doanh nghiệp có thể kiểm tra thông tin người lao động trùng số không? Rất nhiều lao động khi đi làm họ không biết Công ty có đóng Bảo hiểm không Khi lấy sổ ở Công ty cũ gặp khó khăn nên họ không cung cấp thông tin cho Công ty khi Công ty làm thủ tục tăng mới phát hiện ra Báo số mới sau đó làm thủ tuch gộp sổ rất lâu Không báo số mới thì lại phải lọc và gửi lại hồ sơ từ đầu mất thời gian.
TRẢ LỜI:
Để kiểm tra thông tin người lao động trùng số sổ BHXH hay không doanh nghiệp liên hệ với cán bộ phụ trách công tác thu của cơ quan Bảo hiểm xã hội để tra cứu trên phần mềm quản lý dữ liệu đối tượng tham gia của Ngành BHXH. Về nội dung này BHXH tỉnh Bắc Ninh tiếp thu ý kiến và sẽ kiến nghị BHXH Việt Nam xây dựng một phần mềm hỗ trợ hay một Website để đơn vị sử dụng lao động có thể tự tra cứu.
Câu hỏi 9: Điều kiện và thủ tục lao động nữ được hưởng trợ cấp thai sản sau khi đã nghỉ việc tại DN?
TRẢ LỜI:
- Lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi khi đã nghỉ việc tại doanh nghiệp nếu đủ điều kiện sau:
– Đã đóng BHXH đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
– Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở KCB có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Về thủ tục hồ sơ:
– Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
– Trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
– Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
+ Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
+ Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
+ Trường hợp phải GĐYK: Biên bản GĐYK.
Câu hỏi 11: Người lao động nước ngoài công tác và làm việc tại Việt Nam bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, nhưng khi họ về nước thì tiền bảo hiểm sẽ được thanh toán như thế nào? Thủ tục cần những gì? Những lao động khi về nước có được lĩnh tiền bảo hiểm ko?, thời gian bao lâu thì được nhận tiền.
Trả lời như Câu 2.
Về thời gian giải quyết hưởng BHXH một lần được quy định tại khoản 3, Điều 15, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018, cụ thể như sau:
– Trong thời hạn 10 ngày tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thời điểm giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực (tùy thuộc điều kiện nào đến trước) mà người lao động không tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động hoặc không được gia hạn giấy phép, người lao động có yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Câu hỏi 13: Thẻ BHYT khi người lao động đi viện khác tỉnh BN, cán bộ Y tế xem thẻ và nói không có giá trị, tuy nhiên BHXH tỉnh BN kiểm tra lại thì thẻ đó đang có giá trị có thể mã vạch của thẻ bị mờ hoặc vì lý do khác mà phía bệnh viện không chấp thuận. Điều này gây khó khăn cho người lao động.
Trả lời: Theo hướng tại Công văn số 1677/BYT-BH V/v hướng dẫn giải quyết một số vấn đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán BHYT ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ Y tế thì khi tiếp nhận thẻ BHYT của người tham gia đến khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) BHYT, Các cơ sở KBCB sử dụng thông tin tra cứu bằng một trong các công cụ tra cứu của cơ quan BHXH tại thời điểm người bệnh đến KBCB làm cơ sở để xác định KBCB đối với người bệnh theo chế độ BHYT hoặc không theo chế độ BHYT.
Trường hợp tại thời điểm người bệnh đến KBCB mà kết quả tra cứu có thông báo thẻ BHYT hết thời hạn sử dụng thì cơ sở KBCB thực hiện KBCB đối với người đó không theo chế độ BHYT và giải thích để người bệnh hoặc thân nhân người bệnh biết. Trường hợp tại thời điểm người bệnh đến KBCB mà kết quả tra cứu có thông báo thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng và hợp lệ thì cơ sở KBCB thực hiện KBCB đối với người đó theo chế độ BHYT. Cơ quan BHXH chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin trên Hệ thống.
Trường hợp có sự cố kỹ thuật như trên mà cơ sở KBCB không tra cứu được thông tin, trong khi thẻ vẫn có giá trị sử dụng các cơ sở KBCB liên hệ ngay đến cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng để phối hợp xử lý kịp thời.
Vì vậy tùy vào tường hợp xảy ra khi CS KCB tra cứu thông tin thẻ để xử lý. Trường hợp như trên phía bệnh viện không chấp nhận. thì phải xem xét trường hợp cụ thể để biết lí do không chấp nhận thẻ BHYT là đúng quy định hay không
Câu hỏi 14: Khi NLĐ đi làm buổi sáng, chiều ốm đi viện, ngày hôm đó BHXH tính 1/2 ngày nên NLĐ bị thiệt vì đã đi làm 1/2 ngày.
Trả lời: Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn Luậ BHXH chỉ quy định thời gian và mức hưởng trợ cấp ốm đau cho một ngày trở lên, chưa có quy định về thời gian và mức hưởng trợ cấp ốm đau cho ½ ngày. Do đó BHXH không có căn cứ để giải quyết.